Trả lời: Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp. Thẩm quyền cụ thể như được quy định như sau:
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp xẩy ra tại địa phương do cấp mình quản lý bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa của khung tiền phạt (gấp 5 lần giá trị hàng hoá xâm phạm quyền, hàng hoá giả mạo sở hữu công nghịêp phát hiện được), tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm về sở hữu công nghiệp; buộc tổ chức, cá nhân vi phạm về sở hữu công nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng (Điều 30, Điều 42 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 18.3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp xẩy ra tại địa phương do cấp mình quản lý bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm về sở hữu trí tuệ; buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng (Điều 30 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 18.4 Nghị định 106/NĐ-CP).
Nghị định 106/2006/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp không quy định Chủ tịch Uỷ ban ND phường, xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm về sở hữu công nghiệp. (Điều 18 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 147. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của Thanh tra Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ? Trả lời: Thẩm quyền xử phạt về sở hữu công nghiệp của Thanh tra Khoa học và Công nghệ như sau:
Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đang thi hành công vụ có quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 38.1 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 18.1 Nghị định106/2006/ NĐ-CP).
Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ được quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm; buộc áp dụng các biện pháp khác phục hậu quả (Điều 38.2 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 18.2 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ được quyền xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp bằng các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa bằng 5 lần giá trị hàng hoá xâm phạm quyền phát hiện được; tuớc quyền sử dụng giấy phép hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra xâm phạm về sở hữu công nghiệp; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 38.3 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 18.3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 148. Căn cứ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp? Trả lời: Căn cứ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp là biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản (Điều 56 Pháp lệnh XPVPHC)
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì người có thẩm quyền xử phạt (Thanh tra viên tham gia Đoàn thanh tra, Thanh tra viên đang độc lập thi hành công vụ thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ, Kiểm soát viên Quản lý thị trường và những người có thẩm quyền khác) lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Nếu hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản vi phạm thì những người này ra quyết định xử phạt. Trường hợp mức phạt không thuộc thẩm quyền thì chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.
Trường hợp các đoàn thanh tra liên ngành, trong thành phần đoàn không có các chức danh có thẩm quyền xử phạt thì trưởng đoàn lập biên bản vi phạm hành chính. (Điều 49 Luật Thanh tra)
Công chức đang làm việc tại các cơ quan mà Thủ trưởng của mình có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền xử phạt. Người thử trưởng này phải ký vào biên bản vi phạm hành chính đó. Trường hợp cần thiết thì người này tiến hành xác minh lại trước khi ký để sử dụng biên bản vi phạm hành chính này làm căn cứ cho việc ra quyết định xử phạt.
Theo quy định trên thì ở cơ quan thanh tra của Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ, những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp:
Chánh Thanh tra Bộ và Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ;
Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ;
Công chức đang làm việc tại Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (chưa được chuyển sang ngạch Thanh tra viên) đang thi hành công vụ (trường hợp này biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp phải có chữ ký xác nhận của Chánh Thanh tra Bộ và Sở (Điều 20.3 Nghị định 134/2003/NĐ-CP) .
Câu hỏi 149. Các yêu cầu đối với Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp? Trả lời: Biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp cũng tuân theo các quy định về biên bản vi phạm hành chính nói chung. Theo đó, phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên và chức vụ người lập biên bản; tên tổ chức hoặc họ, tên, địa chỉ người vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xẩy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, niêm phong; lời trình bày của cá nhân, tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại.
Biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp phải có các chữ ký của người lập biên bản, đại diện tổ chức, người vi phạm và phải lập thành hai bản. Trường hợp có mặt người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cũng phải ký vào biên bản. Nếu người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, đại diện tổ chức hoặc người bị thiệt hại từ chối, không ký thì người lập biên bản ghi lý do vào biên bản.
Biên bản gồm nhiều tờ rời thì những người kể trên phải ký vào từng tờ rời. Người lập biên bản và cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm mỗi bên giữ một bản. Mẫu biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp áp dụng theo quy định của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định 04/BKHCN-2005).
Trường hợp biên bản, quyết định xử phạt do Thanh tra viên lập thì sử dụng dấu treo của cơ quan thanh tra quản lý trực tiếp thanh tra viên đó. Dấu được đóng ở góc bên trái, phía trên cùng của văn bản, nơi ghi tên cơ quan thanh tra xử phạt và số, ký hiệu của biên bản, quyết định xử phạt (Điều 28.3 Nghị định 134/2003/NĐ-CP).
Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì căn cứ hồ sơ gồm: biên bản vi phạm hành chính và các chi tiết ở biên bản thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, các kết quả trưng cầu giám định, kiểm tra kỹ thuật (nếu có) và các tài liệu liên quan khác, căn cứ tính chất, mức độ, nhân thân cá nhân, tổ chức vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đối chiếu với Chương II Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp mà áp dụng đúng vào điều, khoản, điểm cụ thể để định mức phạt, các hình thức phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khác. Sau đó ban hành văn bản quyết định xử phạt.
Câu hỏi 150. Trường hợp có nhiều hành vi vi phạm, trong đó có hành vi vượt quá thẩm quyền của người thụ lý thì giải quyết như thế nào? Trả lời: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này như sau:
1. Nếu cá nhân, tổ chức đồng thời có nhiều hành vi vi phạm trong một vụ việc, cùng thời gian, địa điểm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của nhiều ngành khác nhau, như cùng lúc vi phạm trong hoạt động sở hữu sông nghiệp và khoa học và công nghệ (ngành Khoa học và Công nghệ), vi phạm về bảo vệ môi trường (ngành Tài nguyên và Môi trường), vi phạm về an toàn và kiểm soát bức xạ (ngành Khoa học và Công nghệ), bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… thì thẩm quyền xử phạt thuộc Uỷ ban Nhân dân. Người đã lập biên bản các hành vi vi phạm hành chính chuyển giao hồ sơ cho Uỷ ban Nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt.
2. Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp (cùng thời điểm, đồng thời vi phạm về nhãn hiệu, kiếu dáng công nghiệp, sáng chế) và hình thức, mức phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của một người thì thẩm quyền ra quyết định xử phạt thuộc về người đó.
3. Thẩm quyền phạt tiển của các chức danh phải căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức đồng thời có nhiều hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, trong đó có một trong các hành vi phải áp dụng hình thức, mức phạt vượt quá thẩm quyền của người đang thụ lý thì phải chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt tất cả các hành vi. Không được giữ lại hành vi có mức phạt thuộc thẩm quyền của mình và chỉ chuyển hành vi có mức phạt vượt quá thẩm quyền lên cấp cao hơn (Điều 42 Pháp lệnh XLVPHC).
4. Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, mức phạt đối với từng hành vi thuộc thẩm quyền của một người, thì người đó chỉ ra một quyết định xử phạt. Trong quyết định ghi rõ hình thức, mức phạt, hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khác cho từng hành vi. Nếu có hình thức phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.
Câu hỏi 151. Đề nghị cho biết thủ tục xử phạt đơn giản về sở hữu công nghiệp? Trả lời: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo thủ tục đơn giản là trường hợp người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản vi phạm hành chính mà ra quyết định xử phạt tại chổ trong những trong những trường hợp sau:
Hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp mà mức phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp mà hình thức và mức phạt quy định đối với mỗi hành vi đều là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 dồng.
Tuy nhiên, quyết định xử phạt vẫn phải thể hiện bằng hình thức văn bản theo mẫu quy định (Điều 10 Nghị định 134/203/NĐ-CP).
Câu hỏi 152. Nguyên tắc áp dụng mức phạt cụ thể trong khung mức phạt quy định trong nghị định xử phạt vi phạm về sở hữu công nghiệp và biện pháp đảm bảo tổ chức, cá nhân phải nộp tiền phạt? Trả lời:
1. Mức phạt tiền cụ thể áp dụng đối với từng hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt quy định cho hành vi đó ghi trong nghị định.
Nếu hành vi vi phạm không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ thì cộng mức tiền phạt tối thiểu với mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi đó và chia đôi. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt áp dụng cho hành vi đó có thể giảm xuống từ mức trung bình, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt áp dụng cho hành vi đó có thể tăng lên từ mức trung bình, nhưng không tăng quá mức tối đa của khung tiền phạt (Điều 3.3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
2. Để đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền có thể tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, hoặc giấy tờ khác cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. và trả lại khi cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp tiền phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức không có các loại giấy tờ nói trên thì có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm (Điều 57 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 215 Luật SHTT).
Câu hỏi 153. Việc đình chỉ hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp được thực hiện như thế nào? Trả lời: Yêu cầu trước hết khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Do vậy khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định này có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
Trong xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp nên ra quyết định bằng văn bản riêng, hoặc ghi rõ yêu cầu này trong Biên bản thanh tra, Biên bản vi phạm hành chính với nội dung yêu cầu đình chỉ ngay và chấm dứt hành vi vi phạm, chờ quyết định giải quyết của người có thẩm quyền (Điều 18 Nghị định 134/2003/NĐ-CP)
Câu hỏi 154. Đề nghị cho biết về việc uỷ quyền xử phạt? Trả lời: Việc uỷ quyền xử phạt chỉ được thực hiện hiện đối với cấp phó trực tiếp (Ví dụ, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ uỷ quyền cho Phó Chánh Thanh tra Sở. Chủ tịch Uỷ ban ND tỉnh không được uỷ quyền cho Chánh thanh tra sở ). Cấp phó được uỷ quyền có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của cấp trưởng đã uỷ quyền cho mình và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt hành chính do mình quyết định. Người cấp phó đã được uỷ quyền xử phạt hành chính không được uỷ quyền tiếp cho bất kỳ người nào khác. (Điều 41 Pháp lệnh XLVPHC)
Câu hỏi 155. Thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp? Trả lời:
1. Theo quy định, thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong xử phạt về sở hữu công nghiệp là 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Thời hạn này là 30 ngày làm việc trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, cần giám định. Trong trường hợp cần tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn 30 ngày làm việc, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng trực tiếp của mình. Thủ trưởng trực tiếp sẽ ra quyết định gia hạn bằng văn bản thêm 30 ngày. Cụ thể là, nếu Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ sẽ ký quyết định xử phạt thì báo cáo Giám đốc Sở. Nếu Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định xử phạt thì báo cáo Bộ trưởng. Trường hợp, Thanh tra viên thì báo cáo Chánh Thanh tra. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính khác (Điều 56 Pháp lệnh XLVPHC, Điều 21 Nghị định 134/2003/NĐ-CP).
2. Những trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp nhưng không được ra quyết định xử phạt:
Nếu quá thời hạn trên 10 ngày trong trường hợp vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh.
Đã hết thời hạn 30 ngày mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đã hết thời hạn cấp có thẩm quyền cho phép (quá 60 ngày kể từ ngày lập biên bảnvi phạm hành chính).
Người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp trong các trường hợp quá thời hạn nêu trên. Tuy nhiên, có thể ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp không thể loại bỏ yếu tố vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khoẻ và áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.
Trường hợp có sự tranh chấp về chủ thể quyền, về khả năng bảo hộ, về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thi cũng tạm dừng, chưa quyết định xử phạt, yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Trường hợp chủ thể quyền yêu cầu xử lý, nhưng sau đó rút đơn cũng không xử lý, trừ trường hợp hàng hoá là giả mạo về sở hữu công nghiệp (Điều 27.5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 156. Những điều kiện để quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói chung và sở hữu công nghịep nói riêng? Trả lời:
Điều kiện cần hội đủ khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nói chung) cũng như về sở hữu công nghiệp là:
- Có hành vi đã diễn ra, được thực hiện do cố ý hoặc vô ý.
- Hành vi đó vi phạm các quy định quản lý Nhà nước đã được ghi trong văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Mức độ nguy hiểm của hành vi thấp hơn tội phạm.
- Pháp luật quy định hành vi đó phải bị xử phạt vi phạm hành chính (hành vi vi phạm được ghi trong các nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp- Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Điều kiện đủ là hành vi vi phạm đó còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. (Điều 1.2 Pháp lệnh XLVPHC)
Câu hỏi 157. Các nguyên tắc áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp? Trả lời: Khi xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Pháp lệnh XLVPHC. Một số nguyên tắc cơ bản là:
Một vi phạm chỉ bị xử phạt một lần.
Một người thực hiện nhiều vi phạm hành chính thì xử phạt từng hành vi. Nhiều người cùng thực hiện một vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt tương ứng với mức đọ vi phạm của mỗi người.
Nội dung vi phạm hành chính thuộc phạm vi xử lý của nhiều tổ chức khác nhau có thẩm quyền xử phạt, thì tổ chức nào thụ lý trước (phát hiện ra trước) sẽ ra quyết định. (Điều 3 Pháp lệnh XLVPHC)
Câu hỏi 158. Trong trường hợp nào thì có thể được miễn áp dụng các biện pháp xử phạt về sở hữu công nghiệp? Trả lời:
Theo quy định trong, trong trường hợp sau miễn áp dụng biện pháp xử phạt xâm phạm quyền gồm:
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền và chủ sở hữu quyền thoả thuận và chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp rút đơn yêu cầu xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền, thông bao đã đạt được thoả thuận giải quyết vụ việc bằng biện pháp khác thì cơ quan có thẩm quyền không ra qưyết định xử phạt. Trừ trường hợp dối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội. (Điều 21.5 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 159. Đề nghị cho biết các giai đoạn của qúa trình ra quyết định xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ? Trả lời: Để đảm bảo việc ra quyết định xử phạt đúng quy định và đúng hành vi, mức độ theo quy định của pháp luật, khi ra quyết định xử phạt cần tuân theo trình tự sau:
1. Phân tích các tình tiết của việc vi phạm:
Nghiên cứu khách quan, toàn diện và đầy đủ các tình tiết, hành vi xẩy ra.
Xác định các đặc trưng pháp lý.
Tuân thủ các quy định mang tính thủ tục.
2. Lựa chọn văn bản sẽ áp dụng:
Lựa chọn văn bản
Xác định văn bản đã chọn còn hiệu lực. Trường hợp có sự mâu thuẩn giữa các văn bản thì cần lựa chọn văn bản thích hợp làm căn cứ cho việc ra các quyết định,
Xác định sự chân thực của văn bản.
Nhận thức đúng về tư tưởng của văn bản.
3. Ban hành quyết định xử phạt:
Thể hiện tính sáng tạo trong quá trình ra văn bản.
Không xuất phát từ động cơ cá nhân.
Ra văn bản phải đúng thẩm quyền, nội dung chính xác, cụ thể và chỉ thực hiện một lần,
4. Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt.
Câu hỏi 160. Đề nghị cho biết nội dung quyết định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp? Trả lời: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, địa chỉ người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính; tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm, điều, khoản, điểm của văn bản pháp luật được áp dụng cho tong hành vi vi phạm; hình thức phạt chính, hình thức phạt bổ sung (nếu có), các biện pháp khác (nếu có); thời hạn, nơi thi hành và chữ ký của người ra quyết định.
Quyết định xử phạt cũng ghi rõ trường hợp cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế; quyền khiếu nại và khởi kiện đối với quyết định xử phạt. Quyết định này soạn theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Câu hỏi 161. Trong trường hợp nào thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghệ phải gửi tới thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ? Trả lời: Trong trường hợp quyết định xử phạt bao gồm các hình thức phạt bổ sung dẫn tới phải tiến hành các thủ tục về xác lập, sửa đổi, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận liên quan thì quyết định xử phạt phải gửi tới Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu và trí tuệ để phối hợp theo dõi và thực hiện (Điều 26.3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 162. Đề nghị cho biết việc tước quyền sử dụng giấy phép trong xử phạt về sở hữu công nghiệp? Thủ tục tước quyền sử dụng các loại giấy phép đó? Trả lời:
1. Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động là việc cơ quan có thẩm quyền thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép đó trong trường hợp cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép thực hiện không đúng các quy định, nội dung, yêu cầu ghi trong giấy phép. Tước quyền sử dụng giấy phép là một hình thức xử phạt để buộc cá nhân, tổ chức phải thực hiện đúng theo nội dung ghi trong giấy phép.
2. Phải căn cứ quy định tại Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp để quyết định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép có liên quan. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng sử dụng giấy phép và cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép đã thực hiện đầy đủ các quy định, nội dung, yêu cầu ghi trong giấy phép và yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người đã ký quyết định xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép trả lại giấy phép.
3. Việc tước quyền sử dụng giấy phép phải ghi trong quyết định xử phạt. Trường hợp tước quyền sử dụng có thời hạn cũng phải ghi rõ thời hạn theo quy định của nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đồng thời người quyết định xử phạt thông báo cho cơ quan cấp giấy phép đó biết.
4. Khi xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp có hai loại giấy phép có thể bị tước quyền sử dụng là Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và Thẻ giám định viên. Việc tước quyền sử dụng có thể có thới hạn hoặc không thời hạn (Điều3.4.d.đ Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
5. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện giấy đăng ký hành nghề và giấy phép khác về sở hữu công nghiệp cấp không đúng thẩm quyền, hoặc trong đó có các nội dung không đúng pháp luật về sở hữu công nghiệp thì người có thẩm quyền ký quyết định xử phạt (Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Quản lý thị trường các cấp, Cơ quan Hải quan các cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trạt tự kinh tế và chức vụ các cấp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ) thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ biết để thu hồi (Điều 26.3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 163. Trong xử phạt xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có cho phép đình chỉ hoạt động kinh doanh không? Trả lời: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp có cho phép các cơ quan xử lý xâm phạm quyền được đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Điều cần lưu ý là Nghị định 106/2006/NĐ-CP cho phép đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với sản phẩm, dịch vụ có vi phạm. Việc đình chỉ này có thời hạn. Một doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng xâm phạm quyền của chủ thể quyền khác. Các cơ quan xử lý có thể quyết định đình chỉ việc kinh doanh của doanh nghiệp này đối với mặt hàng xâm phạm quyền đó trong thời hạn nhất định. Các mặt hàng khác, không xâm phạm quyền, doanh nghiệp vẫn được kinh doanh bình thường (Điều 4.4.e Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 164. Thời hạn nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Trường hợp cá nhân bị phạt tiền có khó khăn, không có khả năng nộp tiền phạt đúng thời gian quy định thì xử lý như thế nào? Trả lời: Quy định về vấn đề này như sau:
1. Thời hạn chấp hành quyết định xử phạt là 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
2. Trường hợp cá nhân vi phạm về sở hữu công nghiệp đến mức phải phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên, trong trường hợp gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và phải có đơn đề nghị được Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận thì có thể được hoãn việc chấp hành quyết định xử phạt.
Người nào đã ra quyết định xử phạt thì người đó sẽ ra quyết định hoãn chấp hành việc nộp tiền phạt. Thời hạn hoãn chấp hành nộp tiền phạt là 3 tháng. Trường hợp có tạm giữ giấy tờ, phương tiện để đảm bảo việc nộp tiền phạt thì cá nhân vi phạm được nhận lại (Điều 64, Điều 65 Pháp lệnh XLVPHC).
Câu hỏi 165. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì giải quyết như thế nào? Thời hiệu của quyết định xử phạt là bao nhiêu? Trả lời:
1. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt nhưng cố tình không tự nguyện thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cuỡng chế bằng các biện pháp quy định tại Điều 66 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính:
Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng.
Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Khi kê biên tài sản để đảm bảo tiền phạt phải báo trước cho Uỷ ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thực hiện biết trước.
2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp do mình ban hành.
3. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính nói chung và về sở hữu công nghiệp là một năm. Nếu quá thời hạn này mà không thi hành được thì không thi hành quyết định xử phạt nữa và chỉ áp dụng các biện pháp khác để khắc phục hậu quả (Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, trì hoãn chấp hành quyết định xử phạt thì thời hạn 1 năm nói trên tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn).
4. Để đảm bảo việc nộp tiền phạt, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ, Thanh tra viên của các tổ chức thanh tra này, có quyền tạm giữ giấy phép và trả lại khi cá nhân, tổ chức chấp hành xong quyết định xử phạt. Trường hợp không có các loại giấy phép trên thì có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt.
Việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu tiền phạt phải theo đúng các thủ tục do Chính phủ quy định (Điều 215 Luật SHTT, Điều 25 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 166. Trường hợp vì những lý do khác nhau không thể giao quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt thì giải quyết như thế nào? Trả lời: Trường hợp đã quá 1 năm mà không thể giao quyết định xử phạt đến tổ chức, cá nhân bị xử phạt do họ không đến nhận, không biết địa chỉ, hoặc do lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt. Biện pháp tịch thu, tiêu huỷ tang vật, hàng hoá vi phạm vẫn được thi hành (Điều 22.3 Nghị định 134/2003/NĐ-CP).
Câu hỏi 167. Hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định như thế? Trả lời:
Hàng hoá xâm phạm quyền có thể là: phần/ bộ phận/ chi tiết của sản phẩm có yếu tố xâm phạm có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập.
Trường hợp không thể tách rời thành phần/bộ phận/chi tiết sản phẩm độc lập, thì hàng hoá xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm (Điều 28.1 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 168. Trong một số trường hợp việc áp dụng khung tiền phạt phụ thuộc vào giá trị hàng hoá xâm phạm phát hiện đựoc. Đề nghị cho biết cách xác định giá trị hàng hoá xâm phạm để áp dụng khung tiền phạt? Trả lời: Giá trị hành hoá xâm phạm quyền, hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp là yếu tố quyết định mức tiền phạt và thẩm quyền tịch thu hàng hoá xâm phạm quyền, hàng hoá giả mạo.
Giá trị hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định trên cơ sở số lượng hàng hoá xâm phạm quyền đã ghi trong Biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Đơn giá tại thời điểm xẩy ra xâm phạm, được xác định theo thứ tự ưu tiên:
Giá niêm yết.
Giá thực bán.
Giá thành (sản phẩm chưa xuất bán).
Giá thị trường của hàng hoá tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng.
Trường hợp áp dụng các căn cứ để xác định giá trị hàng hoá theo thứ tự ưu tiên trên là không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hoá xâm phạm, thì việc định giá do Hội đồng định giá quyết định (Điều 28.2 Nghị định 105/2006/Nđ-CP).
Câu hỏi 169. Đề nghị cho biết quy định xác định giá trị hàng hoá đế áp dụng thẩm quyền tịch thu? Trả lời: Sau khi xác định số lượng hàng hoá xâm phạm quyền (phần/bộ phận, chi tiết hay toàn bộ sản phẩm), xác định đơn giá thì tính được giá trị của toàn bộ hàng hoá xâm phạm quyền hay hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp.
Nếu giá trị hàng hoá tang vật vi phạm bị tịch thu thuộc thẩm quyền của người ra quyết định tạm giữ thì người đó ra quyết định tịch thu.
Nếu giá trị hàng hoá tang vật vi phạm vượt quá thẩm quyền tịch thu của người đã ra quyết định tạm giữ thì chuyển vụ việc đến người có thẩm quyền để ra quyết định.
Câu hỏi 170. Đề nghị cho biết thủ tục xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính thông qua Hội đồng định giá tài sản? Trả lời:
Trường hợp chưa xác định được giá theo quy định thì lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng này do người có thẩm quyền tịch thu ra quyết định thành lập với thành phần sau: Đại diện cơ quan tài chính là chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu là phó chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan chuyên môn, đại diện cơ quan bán đấu giá cấp tỉnh và một số thành viên thuộc cơ quan tài chính và cơ quan ra quyết định tịch thu.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể và các quyết định phải được quá 1/2 số thành viên tán thành. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo phía có ý kiến của chủ tịch Hội đồng. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng phải đưa ra quyết định của mình. Trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể thuê cơ quan chức năng đánh giá giá trị tài sản trước để tham khảo.
Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu không bị giới hạn bởi giá trị tài sản tịch thu thì việc định giá tài sản thực hiện sau khi ra quyết định tịch thu.
Việc định giá phải lập thành biên bản (Điều 31 Nghị định 134/2003/NĐ-CP, Thông tư số 72/2004/TT-BCT).
Câu hỏi 171. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ sau khi ra quyết định tịch thu hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải xử lý như thế nào đối với các hàng hoá này? Trả lời: Theo quy định hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước thì sau khi ra quyết định tịch thu hàng hoá có giá trị thuộc thẩm quyền của mình, việc xử lý tiến hành như sau:
Đối với hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp thuộc loại dễ bị bị hư hỏng, thời hạn sử dụng còn dưới 30 ngày thì Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, người đã ra quyết định tịch thu tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo hình thức công khai, không nhất thiêt phải thông qua bán đấu giá. Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Đối với hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả là thuốc tân dược, chất phóng xạ, là phương tiện kỹ thuật đặc chủng liên quan đến an ninh, quốc phòng thì Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa và Công nghệ, cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức bàn giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý theo quy định củâ pháp luật.
Đối với hàng hóa vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá giả mạo không có giá trị sử dụng, hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và các loại hàng hoá không được phép lưu thông thì Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan đã ra quyết định tịch thu lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Thành phần Hội đồng gồm: đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, cơ quan tài chính, và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Việc tiêu huỷ phải lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên.
Quá trình tiêu huỷ hàng hoá là hoá chất, vật phẩm độc hại phải tuân theo phương pháp, quy trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định (Thông tư số 72/2004/TT-BCT).
Câu hỏi 172. Đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không áp dụng biện pháp tiêu huỷ sau khi tịch thu, cơ quan thanh tra xử lý như thế nào? Trả lời: Theo quy định hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước, đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không bị tiêu huỷ, sau khi tịch thu cơ quan Thanh tra bàn gia hồ sơ từng vụ vi phạm cho cơ quan tài chính cấp huyện nơi xẩy ra vi phạm (nơi cơ sở vi phạm đóng trụ sở) nếu giá trị hàng hoá tịch thu của một vụ dưới 10.000.000 đồng. Bàn giao cho cơ quan tài chính cấp tỉnh nếu giá trị hàng hoá tịch thu của một vụ trên 10.000.000 đồng.
Hồ sơ bàn giao gồm: Quyết định tịch thu, Biên bản tich thu, Biên bản xác định giá trị hàng hoá vi phạm bị tịch thu và các giấy tờ, tài liệu có liên quan.
Cơ quan thanh tra tham gia với cơ quan tài chính trong việc xử lý hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị tịch thu. Lưu ý hàng hoá vi phạm về sở hữu công nghiệp được bán đấu giá thì trước khi bán phải loại bỏ yếu tố vi phạm (Thông tư số 72/2004/TT-BCT).
Câu hỏi 173. Tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu công nghiệp sau khi quyết định tịch thu bàn giao cho cơ quan nào? Trả lời: Trong thời gian chờ bàn giao, cơ quan thanh tra, người ra quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu. Căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện và trong thời hạn 10 ngày mà giải quyết như sau:
Nếu giá trị tang vật, phương tiện dưới 10.000.000 đồng thì người quyết định tịch thu bàn giao cho cơ quan tài chính cấp quận, huyện.
Nếu giá trị tang vật, phương tiện từ 10.000.000 đồng trở lên thì người quyết định tịch thu bàn giao cho Trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh.
Việc chuyển giao tang vật, phương tiện bị tịch thu phải lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ các nội dung: thời điểm bàn giao, người giao, người nhận kèm theo chữ ký của người giao, người nhận, số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị tịch thu.
Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan bán đấu giá gồm: quyết định tịch thu tang vật, các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sử dụng, quyền sở hữu tang vật, văn bản định giá, biên bản bàn giao.
Câu hỏi 174. Pháp luật quy định việc chuyển quyết định xử phạt như thế nào? Trả lời: Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm về sở hữu công nghiệp thuộc tỉnh này, nhưng trụ sở hoặc nơi cư trú ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt ở nơi xẩy ra vi phạm, thì cơ quan đã ra quyết định xử phạt chuyển quyết định đó cho cơ quan cùng cấp nơi cá nhân, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành. Trường hợp không có cơ quan cùng cấp thì chuyển quyết định xử phạt đến Uỷ ban Nhân dân cấp quận, huyện nơi cá nhân, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.
Như vậy, khi gặp các trường hợp như trên, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ nơi xẩy ra vi phạm gửi quyết định xử phạt cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ nơi cá nhân, tổ chức vi phạm đóng trụ sở hoặc cư trú để tổ chức thực hiện quyết định xử phạt (Điều 37 Nghị định 134/2003/NĐ-CP).
Câu hỏi 175. Bộ luật Dân sự quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như thế nào? Trả lời: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, quy định tại Điều 510 Bộ luật Dân sự như sau:
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, về phương thức bồi thường, trừ trường hợp có quy định khác).
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Theo quy định của Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 đã loại bỏ biện pháp bồi thường thiệt hại kèm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vì vậy, khi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp thì xử phạt bằng hình thức phạt chính, hình thức phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khác. Trường hợp hành vi đó gây thiệt hại về vật chất, sức khoẻ cho người khác hoặc cho môi trường chung và người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hướng dẫn cho người bị thiệt hại khởi kiện tại Toà án. Đối với trường hợp này, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ cần ghi rõ: “Việc bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Câu hỏi 176. Đề nghị cho biết các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp? Trả lời: Các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan dến sở hữu công nghiệp bao gồm:
Tạm dừng làm thủ tục hải quan dối với hàng hoá nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghịêp. Đây là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền thực hiện yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hoặc biện pháp ngăn chặn, đảm bảo xử phạt.
Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Khi thực hiện các biện pháp kiểm tra, nếu phát hiện hàng hoá giả mạo nhãnh hiệu thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý (Điều 216 Luật SHTT)
Câu hỏi 177. Tổ chức, cá nhân nào có quyền yêu cầu kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ? Trả lời: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 34.Nghị định 105/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 178. Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan nộp cho cơ quan nào? Trả lời: Các loại đơn nêu trên nộp cho cơ quan hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn như sau:
1. Chi cục Hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục Hải quan đó.
2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Hải quan đó.
3. Tổng cục Hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
4. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể thực hiện việc nộp đơn cho từng Chi cục Hải quan hoặc Cục Hải quan (Điều 35 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 179. Khi nhận được đơn, cơ quan Hải quan xử lý xử lý đơn như thế nào? Trả lời:
1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc trong thời hạn hai mươi tư giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn, nếu người nộp đơn đã thực hiện nghĩa vụ khi nộp đơn.
Trong trường hợp từ chối đơn, cơ quan hải quan phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn, nêu rõ lý do.
2. Trong trường hợp Tổng cục Hải quan chấp nhận đơn thì sau khi chấp nhận, Tổng cục Hải quan chuyển đơn và chỉ đạo các Cục Hải quan có liên quan thực hiện.
Trong trường hợp Cục Hải quan chấp nhận đơn thì sau khi chấp nhận, Cục Hải quan chuyển đơn và chỉ đạo các Chi cục Hải quan có liên quan thực hiện.
Chi cục Hải quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm hoặc ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan trên cơ sở đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan và theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan (Điều 36 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 180. Trong trường hợp phát hiện hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm thì xử lý ra sao? Trả lời:
1. Trong trường hợp phát hiện hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc để thực hiện thẩm quyền xử phạt hành chính, cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, thông báo cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và chủ lô hàng về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng; trong đó nêu rõ tên, địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của các bên, lý do và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan.
2. Cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan trong các trường hợp sau đây:
Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Người yêu cầu rút đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan (Điều 37 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 181. Trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp nhằm mực đích gì? Trả lời: Để có căn cứ trước khi ra quyết định thanh tra, kiểm tra hoặc trước khi ra quyết định xử phạt, các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường tiến hành việc giám định về sở hữu công nghiệp.
Mục đích của việc giám định là làm rõ tình trạng pháp lý của đối tượng sở hữu trí tuệ có liên quan, so sánh các đối tượng sở hữu công nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm với đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và phạm vi bảo hộ để làm căn cứ cho việc đánh giá, kết luận về tình trạng có sự vi phạm, xâm phạm quyền hay không.
Câu hỏi 182. Vai trò của kết luận giám định? Trả lời: Cần lưu ý là việc tiến hành giám định và kết quả giám định không phải là kết luận bắt buộc, duy nhất để làm căn cứ cho việc người có thẩm quyền đưa ra kết luận có hay không có hành vi vi phạm, xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp.
Mặc dù việc yêu cầu giám định không phải là điều kiện bắt buộc đối với người có thẩm quyền xử phạt, nhưng nội dung kết luận trong văn bản giám định là một trong những chứng cứ để người có thẩm quyền đưa ra các quyết định xử phạt hành chính cũng như những biện pháp xử lý phù hợp đối với tang vật vi phạm.
Chủ sở hữu trí công nghiệp, đương sự có liên quan trước khi gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng thường tiến hành giám định các đối tượng sở hữu công nghiệp nghi ngờ xâm phạm. Kết quả giám định là một trong các cơ sở để tố cáo, yêu cầu xử lý hoặc khởi kiện hành vi xâm phạm quyền.
Câu hỏi 183. Đề nghị cho biết nội dung giám định về sở hữu ccông nghiệp? Trả lời: Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp gồm
1. Xác định tình trạng pháp lý, khả năng bảo hộ đối tượng quyền sở hữu công nghịêp, phạm vi quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ;
2. Xác định các chứng cứ để tính mức độ thiệt hại;
3. Xác định yếu tố xâm phạm quyền, sản phẩm/dịch vụ xâm phạm, yếu tố là căn cứ để xác định giá trị đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ, đối tượng xâm phạm;
4. Xác định khả năng chứng minh tư cách chủ thể quyền, chứng minh xâm phạm, hàng hoá xâm phạm hoặc khả năng chứng minh ngược lại của các tài liệu, chứng cứ được sử dụng trong vụ tranh chấp hoặc xâm phạm;
5. Các tình tiết khác của vụ tranh chấp, xâm phạm cần làm rõ (Điều 39 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 184. Ai có quyền trưng cầu, yêu cầu giám định về sở hữu công nghiệp? Trả lời: Thẩm quyền trưng cầu giám định sở hữu công nghiệp và quyền yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp được quy định như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định sở hữu công nghiệp gồm các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp bao gồm: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp; Tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, người giám định sở hữu công nghiệp thực hiện giám định (Điều 40 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 185. Người trưng cầu giám định sở hữu công nghiệp, người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ gì? Trả lời:
1. Người trưng cầu, yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp có các quyền sau đây:
Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên trả lời kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn yêu cầu.
Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên giải thích kết luận giám định.
Yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Thoả thuận mức phí giám định trong trường hợp yêu cầu giám định.
2. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có các nghĩa vụ sau đây:
Cung cấp đầy đủ và trung thực các tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên.
Trình bày rõ ràng, cụ thể những vấn đề thuộc nội dung cần trưng cầu, yêu cầu giám định.
Thanh toán phí giám định theo thoả thuận; tạm ứng phí giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, người giám định.
Nhận lại đối tượng giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên (Điều 41 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 186. Tổ chức nào được phép tiến hành hoạt động giám định sở hữu công nghiệp? Trả lời: Những tổ chức đáp ứng các điều kiện dưới đây được phép hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ gồm:
1.Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và tổ chức giám định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
2. Tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tổ chức giám định sở hữu công nghiệp:
Là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Có ít nhất hai thành viên chính thức được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thành lập tổ chức giám định, thủ tục công nhận, cấp, sửa đổi, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định, công bố Danh sách tổ chức giám định về sở hữu công nghiệp (Điều 42 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 187. Đề nghị cho biết điều kiện để trở thành giám định viên sở hữu công nghiệp? Trả lời:
1. Giám định viên sở hữu công nghiệp là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận. Giám định viên sở hữu công nghiệp có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động trong một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp.
2. Người đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được công nhận và được cấp Thẻ giám định viên sở hữu sở hữu ccông nghiệp:
Có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong hoạt động liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Có phẩm chất đạo đức tốt.
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
3. Người giám định sở hữu công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
Giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; thực hiện giám định theo đúng nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, thời hạn giám định; trong trường hợp cần phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết.
Từ chối giám định trong trường hợp đối tượng giám định, tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định; người giám định có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định hoặc vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định nhưng đồng thời là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trong các bên liên quan trong vụ việc cần giám định.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu, hiện vật, thông tin liên quan đến đối tượng giám định.
Lựa chọn phương pháp cần thiết và phù hợp để tiến hành giám định; sử dụng kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định.
Lập hồ sơ giám định, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám định; giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu.
Bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định; giữ bí mật về kết quả giám định, các thông tin, tài liệu giám định.
Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.
Bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục giám định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật (Điều 44 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 188. Đề nghị cho biết các thủ tục trưng cầu giám định? Trả lời: Việc trưng cầu giám định sở hữu công nghịêp phải tuân theo các thủ tục sau:
1.Việc trưng cầu giám định phải lập thành văn bản.
2. Văn bản trưng cầu giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Tên, địa chỉ cơ quan trưng cầu giám định; tên, chức vụ người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;
Đối tượng, nội dung cần giám định;
Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan;
Thời hạn trả kết luận giám định (Diều 45 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 189. Đề nghị cho biết các thủ tục yêu cầu giám định? Trả lời: Việc yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp phải theo các thủ tục sau:
1. Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên.
2. Hợp đồng dịch vụ giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;
Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;
Nội dung cần giám định;
Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan;
Thời hạn trả kết luận giám định;
Quyền và nghĩa vụ của các bên;
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng (Điều 46 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 190: Đề nghị cho biết thủ tục giao, nhân, trả lại đối tượng giám định sở hữu công nghiệp? Trả lời: Trong trường hợp việc trưng cầu, yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định;
2. Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện;
3. Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan;
4. Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại;
5. Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định (Điều 47 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 191. Việc giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện như thế nào? Trả lời:
1. Việc giám định sở hữu công nghiệp có thể do cá nhân hoặc tập thể giám định viên sở hữu công nghiệp thực hiện. Giám định cá nhân là giám định do một người thực hiện. Giám định tập thể là giám định do hai giám định viên trở lên thực hiện.
2. Trong trường hợp giám định cá nhân thì giám định viên được trưng cầu, yêu cầu thực hiện toàn bộ việc giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn thì những giám định viên được trưng cầu, yêu cầu cùng thực hiện việc giám định, ký tên vào văn bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định; nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi giám định viên ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào văn bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình (Điều 49 Nghị định 105/2005/NĐ-CP).
Câu hỏi 192. Thế nào là giám định bổ sung, giám định lại? Trả lời:
1. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải tuân theo các quy định đối với giám định lần đầu.
2. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người trưng cầu, yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người trưng cầu, yêu cầu giám định.
3. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một vấn đề cần giám định thì có thể tiếp tục trưng cầu, yêu cầu tổ chức, giám định viên khác thực hiện việc giám định lại (Điều 50 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 193. Văn bản kết luận giám định bao gồm các nội dung gì? Trả lời:
1. Văn bản kết luận giám định được coi là một nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc.
2. Văn bản kết luận giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Tên, địa chỉ của tổ chức giám định, giám định viên.
Tên, địa chỉ của cơ quan trưng cầu giám định hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.
Đối tượng, nội dung, phạm vi giám định.
Phương pháp thực hiện giám định.
Kết luận giám định.
Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định.
3. Văn bản kết luận giám định phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định. Trong trường hợp tổ chức giám định thì đồng thời phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định và người đứng đầu tổ chức giám định và đóng dấu của tổ chức đó (Điều 51Nghị định 105/NĐ-CP).
Câu hỏi 194. Khi trưng cầu, yêu cầu giám định có phải trả phí giám định không? Trả lời: Khi trưng cầu, yêu cầu giám định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả phí giám định sở hữu công nghiệp.
Phí giám định đối với trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp theo mức phí do Bộ tài chính quy định. Phí giám định đối với yêu cầu giám định do các bên thoả thuận trong hợp đồng (Điều 53 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 195. Đề nghị cho biết các bước trong quá trình tiến hành thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp? Trả lời: Việc khởi tố vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không phụ thuộc ý chí của chủ sở hữu công nghiệp (trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định). Khi xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Các cơ quan đó là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Trong một số trường hợp theo quy định là cơ quan Hải quan.
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại các Điều 156, 157, 158 và 171 khi hành vi đó: Gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc người thực hiện hành vi đó đã bị xử phạt về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nay còn vi phạm, hoặc người thực hiện hành vi đó đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Câu hỏi 196. Thế nào là xử lý hình sự tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp? Trả lời: Truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người chịu trách nhiệm trước pháp luật (thủ trưởng) của tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự về sở hữu công nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hành vi chưa nguy hiểm nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp nay cố tình tái phạm đối với các hành vi theo quy định tại Điều 126 xâm phạm quyền tự do sáng tạo, Điều 156, Điều 157, Điều 158 và Điều 167 về tội làm và buôn bán hàng giả, Điều 171 tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm về sở hữu công nghiệp thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự và xét xử tại Toà Hình sự.
Câu hỏi 197. Trong trường hợp nào thì việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Tòa Dân sự? Trả lời: Xử lý hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự tại Toà dân sự khi chủ sở hữu công nghiệp khởi kiện hành vi xâm phạm quyền.
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập và bảo hộ căn cứ trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự và Luật SHTT. Vì vậy, khi bị xâm phạm, chủ sở hữu công nghiệp có thể căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự, Luật SHTT để quyết định khởi kiện tại Toà dân sự, yêu cầu Toà xét xử, ra bản án yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, bồi thường thiệt hại do hành vi đó gây ra và áp dụng các biện pháp dân dự khác.
Bộ Luật tố tụng dân sự quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm. Vì vậy, chủ sở hữu công nghiệp cần xem xét thời điểm khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Nhận xét của bạn với bài viết trên website: http://tinhcdnv.blogspot.com/ sẽ được Ban Quản trị kiểm duyệt nội dung trước khi đăng hoặc có quyền xóa những nội dung không phù hợp với đạo đức, pháp luật.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm: http://tinhcdnv.blogspot.com/
Chúc bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc, thành đạt.
===
Trân trọng,
Ban Quản trị website: http://tinhcdnv.blogspot.com/